FAST-DECOR TÁC ĐỘNG LÊN MÔI TRƯỜNG NHƯ THẾ NÀO?
Fast-decor hay còn được gọi là nội thất nhanh, là một thuật ngữ chỉ những sản phẩm trang trí, đồ nội thất có giá thành rẻ, thiết kế hợp thời để đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục của người tiêu dùng và thường được làm từ các vật liệu không bền vững với thời gian. Điều này đang gây nên ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên thiên nhiên.
Tại Pháp, giai đoạn 2017 -2022 chứng kiến sự bùng nổ của fast-decor. Theo đó, lượng nội thất và vật dụng trang trí bán ra thị trường tăng tới 88%. Cũng giống như thời trang nhanh, mô hình kinh doanh của fast-decor cũng sản xuất số lượng lớn và thay đổi mẫu mã liên tục theo chủ đề (Giáng sinh, Phục sinh, Halloween, lễ Tình nhân 14-2,…) để kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Theo tờ The New York Times, giai đoạn đại dịch COVID-19 người Mỹ đã mua rất nhiều đồ nội thất cụ thể doanh số bán các sản phẩm như: bàn, ghế,… đã tăng hơn 4 tỷ USD từ năm 2019 – 2021. Và rất nhiều trong số đó được dự đoán là sẽ không còn được sử dụng và tồn tại được trong thập kỷ này.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ cho biết, những núi rác thải rắn “mọc” lên 450% kể từ năm 1960 vì người Mỹ vứt hơn 12 triệu tấn đồ nội thất mỗi năm. Theo ông Ashlee Piper – một chuyên gia lĩnh vực bền vững cho biết “Đây là một thách thức lớn về mặt không gian cũng như là cách thức sản xuất đồ nội thất nhanh hiện nay vì ngoài gỗ và kim loại, họ còn sử dụng các vật liệu khác và thường là các vật liệu không phân hủy sinh học được”
Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho môi trường:
- Lãng phí tài nguyên: hai vật liệu phổ biến nhất thường được dùng là gỗ và nhựa, nên vấn đề sản xuất đồ nội thất liên tục đồng nghĩa với việc khai thác gỗ từ rừng không bền vững và quá trình chiết xuất nhựa từ dầu mỏ cũng gây thiệt hại cho thiên nhiên
- Ô nhiễm môi trường: hiện nay có đến 1,3 triệu tấn rác nội thất thải ra môi trường và gần một nửa trong số đó không được tái chế hoặc tái sử dụng. Bên cạnh đó, các hóa chất được dùng để trong quá trình sản xuất cũng gây hại đến môi trường
Vậy biện pháp để giảm thiểu vấn đề này là gì?
- Ủng hộ các thương hiệu nội thất bền vững: sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường và tuân thủ quy trình sản xuất tiêu chuẩn
- Kéo dài tuổi thọ của đồ nội thất bằng cách sửa chữa hoặc tái sử dụng chúng
Hãy là một nhà tiêu dùng thông thái: tránh bị thúc đẩy tiêu dùng quá đà hoặc mua sắm khi không có nhu cầu nhé!
Nguồn: euronews.green, The New York Times