Tảng băng lớn nhất thế giới đang tan rã
Tảng băng trôi lớn nhất thế giới có tên là A23a, được dự đoán là đang di chuyển về phía đảo Nam Georgia – một nơi thuộc lãnh thổ nước Anh và là “ngôi nhà chung” của nhiều loài động vật hoang dã. Với diện tích ban đầu hơn 3.987 km² – gấp đôi diện tích Greater London – A23a đang trở thành một mối đe dọa tiềm tàng đối với hệ sinh thái tại đây.
Được biết, A23a tách khỏi thềm băng Filchner ở Nam Cực từ năm 1986, nhưng do bị mắc cạn nên nó đã nằm yên dưới đáy biển Weddell trong suốt nhiều thập kỷ qua. Đến năm 2020, tảng băng bắt đầu di chuyển, nhưng bị ảnh hưởng bởi dòng chảy của đại dương khiến nó quay vòng gần như tại chỗ. Tuy nhiên, vào tháng 12/2024, hình ảnh vệ tinh cho thấy A23a đã “trốn thoát” khỏi đó và tiếp tục hành trình của nó về phía bắc.
Hiện tại, A23a đang trôi về phía đảo Nam Georgia – nơi trú ngụ của các loài, như’: chim cánh cụt, hải cẩu, cá voi và nhiều loài chim biển quý hiếm. Các nhà khoa học lo ngại rằng nếu tảng băng này mắc cạn gần đảo, nó có thể gây cản trở đường di chuyển của các loài động vật biển, đặc biệt là chim cánh cụt và hải cẩu. Bên cạnh đó, nó còn làm gián đoạn nguồn thức ăn gây ảnh hưởng đến chuỗi sinh thái.
![](https://choicevn.com/wp-content/uploads/2025/01/photo-1595792463990-07008351a4fb.png)
Chim cánh cụt, hải cẩu, cá voi và nhiều loài chim biển quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa bởi tảng băng A23a. (Ảnh: unsplash.com)
Hiện nay, các chuyên gia từ Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) đang giám sát chặt chẽ A23a qua ảnh vệ tinh. Tiến sĩ Andrew Meijers, một nhà hải dương học của BAS, cho biết: “Tảng băng đang bị cuốn vào một vòng xoáy hải lưu, nhưng với những gì chúng ta biết về dòng chảy đại dương, nó có thể sẽ tiếp cận đảo Nam Georgia trong tương lai gần.”
Sự kiện này là một lời nhắc nhở quan trọng rằng thiên nhiên luôn thay đổi một cách đầy bất ngờ và tác động của con người lên môi trường có thể góp phần đáng kể vào những biến động này. Việc theo dõi và bảo vệ các khu vực sinh thái quan trọng sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với động vật hoang dã và hệ sinh thái toàn cầu.
Do đó, hãy thay đổi nhận thức và hành động ngay từ hôm nay. Mỗi cá nhân có thể góp phần bảo vệ môi trường bằng cách giảm thiểu khí thải carbon, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, hạn chế rác thải nhựa và tham gia vào các hoạt động bảo tồn thiên nhiên. Chỉ khi chúng ta cùng chung tay, hệ sinh thái mới có cơ hội phục hồi và duy trì sự cân bằng trước những thách thức ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu.
Nguồn thông tin: earth.com