Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ Ở CHÂU Á – CUỘC CHIẾN CHƯA CÓ HỒI KẾT
Không khí là một nguồn tài nguyên quý giá và là điều kiện tiên quyết cho sự sống trên Trái đất. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia châu Á, bầu không khí đang bị đe dọa nghiêm trọng vì ô nhiễm. Đây là một vấn đề cấp bách cần được giải quyết, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, môi trường và sự phát triển kinh tế – xã hội.
Theo Báo cáo của cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir, 9 trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới đều nằm ở Ấn Độ. Theo đó, từng ghi nhận được chỉ số PM2.5 vượt hơn 104 lần so với ngưỡng lành mạnh của WHO tại thủ đô New Delhi (nơi đang có khoảng 33 triệu người sinh sống), khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), trong 11 tháng đầu năm, ghi nhận nồng độ bụi mịn PM2.5 đã tăng 3.2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, 13 trong số 31 thành phố tại quốc gia này không đạt được tiêu chuẩn về PM2.5 và 11 tỉnh thành phố không đạt tiêu chuẩn quốc gia về ozone.
Các quốc gia Đông Nam Á cũng không nằm ngoài cuộc chiến này, Thái Lan là một quốc gia cũng đang đối mặt với vấn nạn ô nhiễm không khí rất căng thẳng. Theo báo cáo của AirBKK (Trung tâm Thông tin chất lượng không khí của BMA), 20 quận ở Bangkok ghi nhận chỉ số PM2.5 hơn 75 mcg/m3 (trong khi ngưỡng an toàn là 37,5 mcg/m3). Ngoài ra, chỉ số chất lượng không khí tại Chiang Mai đã có lúc lên đến 267 – đưa thành phố du lịch này vào nhóm các địa điểm có nồng độ bụi mịn cao nhất thế giới.
Mức độ ô nhiễm không khí tại Lào cũng tăng lên bất thường. Nguyên nhân cơ bản được cho là bắt nguồn từ tự nhiên (cháy rừng, điều kiện địa lý và khí hậu) và con người làm chất lượng không khí xấu đi.
Tuy nhiên, thực tế con người mới là tác nhân chính làm tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng. Mỗi năm, ô nhiễm không khí gây ra hàng triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tim mạch và ung thư. Ngoài ra, nó cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực khác như giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến kinh tế và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Do đó, để chấm dứt lại cuộc chiến này và đạt được mục tiêu về một bầu không khí trong lành và an toàn, cần có sự nỗ lực không ngừng từ các quốc gia và trong chính mỗi cá nhân chúng ta.
Theo: TTXVN/Vietnamplus