Một phần tư quần thể động vật nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng
Mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích bề mặt Trái Đất nhưng môi trường nước ngọt lại là “ngôi nhà chung” của hơn 10% số loài được biết đến, bao gồm một nửa số loài cá và một phần ba các loài động vật có xương sống. Tuy nhiên, một báo cáo gần đây trên tạp chí Nature đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng: hơn 25% các loài động vật nước ngọt đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do tác động từ con người và sự thay đổi môi trường.
Trong số hơn 23.000 loài động vật nước ngọt đã được đánh giá, khoảng 24% đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Các nhóm động vật chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm:
- Giáp xác (tôm, cua, tôm càng): 30% có nguy cơ tuyệt chủng.
- Cá nước ngọt: 26% bị đe dọa.
- Động vật bốn chân (ếch, bò sát): 23% đối mặt với sự biến mất.
- Chuồn chuồn: 16% gặp nguy cơ.
Đặc biệt, từ năm 1500 đến nay, đã có 89 loài động vật nước ngọt tuyệt chủng hoàn toàn, trong khi 178 loài khác được cho là đã biến mất. Ngoài ra, 35% diện tích các vùng đất ngập nước, như đầm lầy và hồ, đã biến mất từ năm 1970 đến 2015 với tốc độ nhanh gấp ba lần so với rừng. Thêm vào đó, khoảng một phần ba các con sông dài hơn 1.000 km trên thế giới không còn giữ được dòng chảy tự do.
Nguyên nhân đứng sau sự suy thoái của mội trường nước ngọt dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của các loài động vật nước ngọt, bao gồm:
- Ô nhiễm: Từ rác thải nhựa, hóa chất độc hại đến nguồn nước không an toàn.
- Xây dựng đập: Gây cản trở dòng chảy tự nhiên và ảnh hưởng đến sinh cảnh của nhiều loài.
- Khai thác nước và thay đổi mục đích sử dụng đất: Làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và phá hủy môi trường sống tự nhiên.
- Biến đổi khí hậu: Gây ra sự thay đổi nhiệt độ và điều kiện thời tiết bất thường.
- Sự xâm lấn của các loài ngoại lai: Gây cạnh tranh và đẩy các loài bản địa vào nguy cơ tuyệt chủng.
Để đảo ngược tình trạng này, các nhà khoa học kêu gọi sự chung tay từ chính phủ, tổ chức và cộng đồng. Các giải pháp cấp bách bao gồm:
- Nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò thiết yếu của nước ngọt và các loài động vật trong hệ sinh thái.
- Áp dụng chính sách bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế khai thác và ô nhiễm.
- Phục hồi môi trường nước ngọt, đặc biệt là các vùng đất ngập nước và hệ sinh thái sông ngòi.
- Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, tìm kiếm giải pháp bảo tồn hiệu quả và bền vững.
Hãy chung sống chan hòa với thiên nhiên để giữ gìn những “mạch sống” quý giá của Trái Đất và tạo dựng một hành tinh xanh hơn cho tương lai!