Australia giảm đến 39% ô nhiễm nhựa ven biển
Một tín hiệu tích cực vừa được ghi nhận từ báo cáo mới nhất của Tổ chức Khoa học và Nghiên cứu Công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO), khi lượng rác thải nhựa dọc bờ biển Australia đã giảm đáng kể, xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Kết quả này là thành quả của một quá trình khảo sát dài hạn tại nhiều khu vực đô thị lớn trên toàn quốc, bao gồm Hobart, Newcastle, Perth, Port Augusta, Sunshine Coast và Alice Springs.
Dữ liệu thu thập từ 1.907 cuộc khảo sát cho thấy tổng cộng 8.383 mảnh rác nhựa được ghi nhận trong phạm vi bán kính 100km quanh các thành phố này. Trong đó, các loại rác xuất hiện nhiều nhất gồm xốp (polystyrene) chiếm 24% và đầu lọc thuốc lá chiếm 20%. Các mảnh nhựa vỡ, bao bì thực phẩm, nắp chai cũng là những vật phẩm phổ biến, góp phần gây hại đến sinh vật biển và hệ sinh thái ven bờ.

Australia giảm đến 39% ô nhiễm nhựa ven biển – Ảnh minh họa. (Nguồn: Oceangraphic)
Điều đáng mừng là so với các năm trước, lượng rác thải nhựa ven biển đã giảm tới 39%. Đáng chú ý, số điểm khảo sát không phát hiện rác nhựa cũng tăng thêm 16%. Đây là những con số phản ánh nỗ lực hiệu quả trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa, từ tăng cường kiểm soát rác thải đến nâng cao ý thức cộng đồng trong việc tiêu dùng bền vững và giảm nhựa dùng một lần ở Australia.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các khu vực có mật độ dân cư cao, sử dụng đất dày đặc và có mức thu nhập thấp vẫn đang ghi nhận mức độ rác thải nhựa cao hơn. Điều này cho thấy vấn đề ô nhiễm nhựa vẫn còn mang tính cục bộ và cần có thêm các giải pháp phù hợp với từng đặc điểm địa phương để có thể đạt được hiệu quả toàn diện.
Đây cũng được xem là một bước đệm quan trọng hướng đến mục tiêu của chương trình “Ending Plastic Waste Mission” do CSIRO khởi xướng, đặt mục tiêu giảm 80% lượng nhựa thải ra môi trường vào năm 2030. Việc đạt được mức giảm gần 40% chỉ trong một thập kỷ cho thấy tiềm năng thực sự của các chiến lược giảm nhựa nếu được thực hiện đồng bộ, liên tục và dựa trên dữ liệu thực tế.
Từ trường hợp thực tiễn thành công của Australia, hy vọng rằng các quốc gia khác đang có vấn đề về rác thải nhựa trên thế giới có thể học hỏi và áp dụng các mô hình quản lý rác thải nhựa hiệu quả hơn, góp phần bảo vệ đại dương và giữ gìn môi trường sống cho các thế hệ mai sau!
Nguồn thông tin: Tạp chí Oceanographic