2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận
Những thiên tai mà toàn thế giới đã trải qua trong năm 2024 được xem như là một lời cảnh báo nghiêm túc và khẩn cấp về tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Theo Cơ quan Giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu Copernicus (C3S), 2024 là năm đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt ngưỡng 1,5°C so với mức tiền công nghiệp.
Theo báo cáo từ C3S và các tổ chức khí hậu hàng đầu như ECMWF, NASA, NOAA, UK Met Office, Berkeley Earth và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã phối hợp công bố dữ liệu, nhấn mạnh tình trạng khẩn cấp – 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận kể từ khi có sự ghi nhận dữ liệu từ năm 1850. Cụ thể, một số dữ liệu nổi bật được ghi nhận bao gồm:
- Nhiệt độ không khí bề mặt toàn cầu: Năm 2024 đã vượt qua mọi kỷ lục đã được ghi nhận trước đó, với mức tăng đáng kể do sự kết hợp của hiện tượng El Niño và khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
- Nhiệt độ cực đoan và độ ẩm cao làm gia tăng mức độ căng thẳng nhiệt. Phần lớn bán cầu Bắc đã trải qua nhiều ngày hơn bình thường với mức “căng thẳng nhiệt mạnh” và một số khu vực thậm chí còn có số ngày “căng thẳng nhiệt cực đoan” cao hơn mức trung bình.
- Diện tích băng biển Nam Cực đã liên tục giảm mạnh trong hai năm qua. Sau khi đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2023, năm 2024 tiếp tục chứng kiến diện tích băng biển ở mức thấp kỷ lục hoặc gần kỷ lục trong hầu hết các tháng.
- Tốc độ tan chảy của băng biển ở Bắc Cực đang diễn ra nhanh chóng và đáng báo động. Cụ thể, từ tháng 7 trở đi, diện tích băng biển lại giảm mạnh và đạt mức thấp kỷ lục vào tháng 9.
- Nồng độ carbon dioxide (CO₂) và methane (CH₄) trong khí quyển tiếp tục tăng và đạt mức kỷ lục hàng năm vào năm 2024
Carlo Buontempo – Giám đốc C3S, nhận định năm 2024 đã phá vỡ mọi kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng tương lai vẫn còn nằm trong tay chúng ta. Bằng cách dựa vào bằng chứng khoa học và hành động quyết liệt, chúng ta có thể ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Samantha Burgess – Lãnh đạo Chiến lược về Khí hậu tại ECMWF, chia sẻ: “Mỗi năm trong thập kỷ qua đều nằm trong số mười năm nóng nhất được ghi nhận. Chúng ta hiện đang đứng trên bờ vực vượt qua mức 1,5ºC được xác định trong Thỏa thuận Paris. Những nhiệt độ toàn cầu cao này đã dẫn đến các đợt nắng nóng và mưa lớn chưa từng có, gây khổ sở cho hàng triệu người.”
Những tác động trực tiếp trên toàn cầu phải kể đến như:
- Ảnh hưởng đến hệ sinh thái: Nhiệt độ bề mặt biển tăng cao kỷ lục, đe dọa đến đa dạng sinh học biển và các ngành kinh tế phụ thuộc vào đại dương.
- Sức khỏe con người: Các đợt nắng nóng nghiêm trọng làm gia tăng các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là ở những nhóm người dễ bị tổn thương như trẻ em và người già.
- Thiên tai và bất ổn xã hội: Mưa lớn và hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, gây ra lũ lụt và tổn thất kinh tế khổng lồ ở nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Báo cáo trên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các quốc gia trên toàn thế giới phải tuẩn thủ nghiêm ngặt Thỏa thuận Paris nhằm giữ mức tăng nhiệt độ dưới 1,5°C. Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải:
- Giảm khí thải nhà kính: Các quốc gia cần tăng cường cam kết và hành động quyết liệt hơn trong việc cắt giảm lượng khí thải.
- Đầu tư vào năng lượng tái tạo: Thúc đẩy các giải pháp bền vững như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện.
- Nâng cao nhận thức cộng đồng: Cộng đồng toàn cầu cần được trang bị kiến thức để thay đổi hành vi và ủng hộ các chính sách thân thiện với môi trường.
Hãy cùng nhau tạo ra sự thay đổi tích cực để bảo vệ tương lai cho chính chúng ta và các thế hệ mai sau. Đừng để năm 2024 là khởi đầu của những kỷ lục buồn về khí hậu!
Nguồn thông tin: climate.copernicus.eu