Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến độ nhạy insulin
Ô nhiễm không khí đang trở thành một trong những vấn đề cấp bách nhất trên toàn cầu, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe của con người. Trong một nghiên cứu gần đây đã làm chỉ ra rằng mối liên hệ giữa các chất ô nhiễm trong không khí và sự suy giảm độ nhạy insulin – yếu tố quyết định trong việc ngăn ngừa tiểu đường tuýp 2.
Không khí ô nhiễm chứa rất nhiều thành phần nguy hiểm, trong đó nổi bật là: bụi mịn PM2.5, oxit nitơ (NO2) và khí carbon monoxide (CO). Các hạt bụi mịn PM2.5 có kích thước nhỏ đến mức có thể xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và máu, gây ra các phản ứng viêm mãn tính. NO2, chủ yếu phát sinh từ giao thông và công nghiệp cũng được chứng minh là làm tổn hại chức năng của phổi và hệ tuần hoàn.
Cụ thể, theo nghiên cứu, khi những chất này xâm nhập cơ thể, chúng làm tăng tình trạng viêm và gây stress oxy hóa – tình trạng mất cân bằng giữa các gốc tự do. Stress oxy hóa không chỉ gây tổn hại tế bào mà còn làm giảm khả năng hấp thụ insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể con người.
Độ nhạy insulin là khả năng của cơ thể trong việc phản ứng với hormone insulin – yếu tố giúp điều tiết lượng đường trong máu. Khi độ nhạy insulin giảm, cơ thể cần nhiều insulin hơn để xử lý glucose, gây căng thẳng cho tuyến tụy và làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.
Tiến sĩ Parjeet Kaur, Phó Giám đốc khoa nội tiết và bệnh tiểu đường tại Trung tâm sức khỏe Medanta, Gurugram (Ấn Độ) nói: “Giảm độ nhạy insulin hoặc kháng insulin có thể dẫn đến các rối loạn chuyển hóa như bệnh tiểu đường type 2. Tổ chức Y tế Thế giới cũng báo cáo rằng, hơn 347 triệu người trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi bệnh tiểu đường, với hơn 80% các ca tử vong liên quan xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình”
Cũng theo Tiến sĩ Kaur, kháng insulin không chỉ chịu ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền và lối sống mà còn liên quan chặt chẽ đến môi trường sống. Tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí, đặc biệt là các hạt mịn PM2.5 và khí độc hại như NO2, CO, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc phải tình trạng này.
Bên cạnh tác động đến độ nhạy insulin, ô nhiễm không khí còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như cao huyết áp, bệnh tim mạch, và các vấn đề về hô hấp. Bụi mịn PM2.5 không chỉ gây viêm nhiễm hệ tuần hoàn mà còn ảnh hưởng đến chức năng của nội mô mạch máu, dẫn đến tăng nguy cơ cao huyết áp và đột quỵ.
Hơn thế nữa, ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến người dân dễ bị nhiễm trùng hơn. Đặc biệt, những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ, người già, và người có bệnh mãn tính là những người chịu tác động nghiêm trọng nhất.
Do đó, trong bối cảnh mà ô nhiễm không khí ngày càng trở nên nghiêm trọng, điều cấp thiết nhất mà chúng ta phải làm là hành động để giảm thiểu các tác động của ô nhiễm không khí. Cụ thể:
- Trồng cây xanh trong nhà và khu vực xung quanh môi trường sống: việc này giúp hấp thụ CO2, lọc bụi mịn và cải thiện chất lượng không khí. Một số loại cây như: lưỡi hổ, cây nhện, cây trầu bà,… đặc biệt hiệu quả trong việc thanh lọc không khí.
- Hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, ưu tiên các phương tiện giao thông công cộng hoặc chia sẻ xe để giảm lượng khí thải.
- Hạn chế hoạt động ngoài trời vào những ngày ô nhiễm cao, đặc biệt là các hoạt động thể chất nặng.
- Tránh đốt rác thải, lá cây hoặc gỗ trong khu vực sinh sống, vì khói thải ra có thể làm gia tăng ô nhiễm không khí.
- Xây dựng lối sống tốt cho sức khỏe: ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Nguồn thông tin: The New Indian Express