XƯƠNG HỔ, BÁO ĐƯỢC GIẤU TRONG LÔ HÀNG VỎ ỐC
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa thông báo kết luận giám định động vật là xương hổ, báo được giấu trong lô hàng vỏ ốc do Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh phát hiện.
Trước đó, cuối tháng 5/2022, Trực ban Tổng cục Hải quan và Đội Kiểm soát Hải quan chủ trì phối hợp với Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3), Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan kiểm tra lô hàng nhập khẩu phát hiện lượng lớn hàng nhập lậu.
Lô hàng thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ XNK K.L.T đứng tên làm thủ tục nhập khẩu. Theo khai báo hải quan, lô hàng nhập khẩu gồm trên 13 tấn vỏ ốc đã xử lý sạch khô (nguyên liệu làm hàng thủ công mỹ nghệ), cập cảng Cát Lái vào cuối tháng 5/2022.
Số xương hổ giấu trong lô hàng vỏ ốc nhập khẩu cuối tháng 5 bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: T.H
Nghi ngờ có dấu hiệu bất thường, Đội Kiểm soát Hải quan – Cục Hải quan TP. HCM đã phối hợp với Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 dừng thông quan, tiến hành kiểm tra đối với lô hàng này. Lực lượng chức năng phát hiện, ngoài số vỏ ốc được để phía ngoài container, phía trong cất giấu nhiều hàng hóa không khai báo hải quan gồm: Gần 600kg cá ngựa khô, 38 xương động vật, 86kg vảy tê tê. Toàn bộ số hàng này vi phạm Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Theo kết quả giám định lô hàng có: Xương loài hổ có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) ban hành kèm theo Thông báo số 296/TB-CTVN-HTQT ngày 27/11/2019 của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam.
Xương sọ loài báo hoa mai có tên khoa học panthera pardus, có tên trong Phụ lục I, Danh mục CITES; cá ngựa khô có tên khoa học hippocampus comes. Tất cả các loài cá ngựa hippocampus spp có tên trong Phụ lục II, Danh mục CITES; vảy tê tê java có tên khoa học manis javanica có tên trong Phụ lục I, Danh mục CITES.
Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) là một hiệp ước đa phương. Công ước được đưa ra ký kết năm 1973 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 1975. Tới nay, với 175 quốc gia thành viên, CITES là Hiệp ước quốc tế về bảo tồn có số lượng thành viên lớn nhất toàn cầu.
Mục đích của Công ước CITES nhằm đảm bảo rằng việc thương mại quốc tế các tiêu bản của các loài động vật và thực vật hoang dã mà không đe dọa sự sống còn của các loài này trong tự nhiên, và nó cũng đưa ra nhiều cấp độ khác nhau để bảo vệ hơn 34.000 loài động và thực vật.
Theo Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận Thương mại