Cá đuối Mobula có thể đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng?
Mặc dù đã được bảo vệ bởi Công ước CITES Phụ lục II và Công ước CMS Phụ lục I, nhưng các loài cá đuối thuộc họ Mobula (cá đuối Manta và cá đuối quỷ) đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng vì bị khai thác quá mức.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Environmental Biology of Fishes cho biết, cá đuối họ Mobula đang bị đánh bắt ở tình trạng đáng báo động tại 43 quốc gia, với thịt được tiêu thụ ít nhất tại 35 quốc gia và mang cá được xuất khẩu từ 14 nước. Tập trung chủ yếu tại các quốc gia ở Châu Phi và Châu Á.
Trước đây, cá đuối họ Mobula chủ yếu được đánh bắt để tiêu thụ trong nước, chủ yếu là thịt, được sử dụng tươi hoặc phơi khô. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, nhu cầu quốc tế đối với mang cá (gill plates) đã tăng mạnh, đặc biệt là tại Trung Quốc và Hong Kong. Mang cá Mobula thường được sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền Trung Quốc với các công dụng được quảng cáo như chống viêm, giải độc và lưu thông máu. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh được hiệu quả của mang cá đuối. Hiện tại giá bán của mang cá đuối Mobula có thể lên tới 1.260 USD/kg.
Trên thực tế, một số các nghiên cứu cho thấy mang và thịt cá Mobula chứa hàm lượng kim loại nặng như arsenic, chì và thủy ngân vượt mức an toàn, có nguy cơ gây nguy cơ ung thư và các vấn đề sức khỏe khác cho con người. Mặc dù thị trường buôn bán mang cá tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã giảm trong thập kỷ qua nhờ các chiến dịch bảo tồn, nhưng số lượng bán lẻ trên các trang trực tuyến lại tăng lên đáng kể.
Sau khi phân tích mức độ ảnh hưởng của các quốc gia đối với cá đuối họ Mobula, các nhà nghiên cứu đã xác được 14 quốc gia có mức độ “ưu tiên cao” trong việc bảo tồn cá đuối họ Mobula (theo thứ tự giảm dần) bao gồm: Myanmar, Sri Lanka , Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Senegal, Cộng hòa Congo, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Peru, Trung Quốc, Philippines, Ghana, Thái Lan và Gabon.
Bên cạnh đó, 26 quốc gia (bao gồm Việt Nam) được xếp vào nhóm mức độ “ưu tiên trung bình” và 36 quốc gia còn lại thuộc nhóm “ưu tiên thấp”.
Tuy đã có các biện pháp bảo vệ quốc tế gần một thập kỷ qua đã được triển khia, nhưng việc giám sát và thực thi các quy định vẫn còn nhiều thách thức, như: một số các quốc gia không giám sát nghiêm ngặt các cảng hoặc một số bến trên biển, đảo hoặc một số địa điểm không chính thức; gắn nhãn sai hoặc sử dụng các thuật ngữ chung chung để bán thịt cá đuối Mobula (đặc biệt ở dạng khô) dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên thị trường nội địa và quốc tế trở nên khó khăn hơn; chỉ có 9 trong số 43 quốc gia khai thác cá đuối Mobula báo cáo dữ liệu cho FAO nên làm giảm hiệu quả của các biện pháp quản lý;…
Do đó, các nhà nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị như:
- Cần đưa các loài cá này vào Phụ lục I của CITES để cấm hoàn toàn việc buôn bán thương mại quốc tế.
- Tăng cường giám sát và thực thi để đảm bảo các biện pháp bảo vệ được áp dụng hiệu quả tại các quốc gia thành viên CITES và CMS.
- Cải thiện cơ sở dữ liệu và nghiên cứu: Các quốc gia cần báo cáo đầy đủ và minh bạch sản lượng khai thác để hỗ trợ việc quản lý và bảo tồn hiệu quả hơn.
- Sự hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế.