13
Th4

Chuột khổng lồ – vũ khí mới chống lại nạn buôn bán ĐVHD

Trong cuộc chiến bảo vệ sự sống hoang dã trên toàn cầu, các công cụ công nghệ cao, luật pháp nghiêm ngặt và các chiến dịch truyền thông chưa bao giờ là đủ! Giờ đây, có một lực lượng đặc biệt đang âm thầm góp phần ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã – những chiến binh có bộ lông mềm mại với chiếc mũi siêu nhạy và đó là… chuột!

Đây không phải là một loài chuột bình thường mà là chuột túi khổng lồ châu Phi (Cricetomys ansorgei) – loài gặm nhấm có khứu giác cực kỳ nhạy bén, đang được huấn luyện để phát hiện các sản phẩm động vật hoang dã bị buôn lậu như ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê tại các điểm nóng buôn bán ở châu Phi.

Tại Tanzania, các nhà khoa học đang phối hợp cùng tổ chức phi lợi nhuận APOPO, có trụ sở tại Đại học Nông nghiệp Sokoine (SUA) ở Morogoro, để đào tạo loài chuột túi này phát hiện các sản phẩm động vật hoang dã bị buôn bán trái phép như vảy tê tê, sừng tê giác và ngà voi trong các lô hàng tại sân bay, bến cảng và những điểm trung chuyển khác.

Huấn luyện chuột khổng lồ – vũ khí mới chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã. (Ảnh: Tạp chí Mongabay)

Chuột túi khổng lồ châu Phi có khả năng đánh hơi rất tinh nhạy. Trước đây, chúng đã được APOPO huấn luyện thành công để dò tìm mìn và phát hiện bệnh lao ở người. Giờ đây, với cùng phương pháp huấn luyện bằng cách củng cố tích cực (thưởng khi phát hiện đúng mùi hương), những “chiến binh tí hon” này đang được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc phát hiện hàng cấm liên quan đến động vật hoang dã. Trong các thử nghiệm ban đầu, những chú chuột được huấn luyện đã đạt độ chính xác lên đến gần 90% khi phát hiện các vật phẩm bị cấm. Một con số đáng kinh ngạc, cho thấy tiềm năng to lớn của loài động vật tưởng chừng như có kích thước cơ thể “khiêm tốn” này.

Mục tiêu của APOPO là đưa đội chuột được huấn luyện này vào môi trường thực tế như các cảng biển, sân bay và cửa khẩu quốc tế – nơi các hoạt động buôn bán trái phép thường diễn ra. Chuột có thể phát hiện hàng cấm trong các container mà không cần mở toàn bộ kiện hàng, giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực cho lực lượng kiểm soát biên giới. Không chỉ nhỏ gọn và dễ vận chuyển, những con chuột còn có lợi thế không gây hoảng sợ cho các loài vật khác hoặc hành khách như một số loài chó nghiệp vụ có thể gây ra.

Bà Dora Hebert – huấn luyện viên tại tổ chức phi lợi nhuận APOPO – cho biết việc huấn luyện chuột túi khổng lồ để phát hiện các sản phẩm động vật hoang dã là một quá trình đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về từng cá thể. “Bạn thật sự phải học cách hiểu con chuột mà mình đang làm việc cùng, vì mỗi con đều có tính cách khác nhau – giống như con người vậy,” cô chia sẻ.

Hebert, cùng với một nhóm các nhà khoa học và huấn luyện viên, đang làm việc với tám con chuột trong chương trình thí điểm nhằm phát hiện vảy tê tê, ngà voi và sừng tê giác trong hàng hóa vận chuyển. Những con chuột này được nhân giống trong môi trường nuôi nhốt, đôi khi được lai với chuột hoang để tăng khả năng thích nghi. Việc huấn luyện bắt đầu từ khi chuột còn rất nhỏ, nhưng không phải cá thể nào cũng đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Những cá thể được lựa chọn thường có tính cách hòa đồng, tự tin và tỏ ra chủ động trong việc tìm kiếm mục tiêu. Trong khi đó, các cá thể không hợp tác hoặc thiếu hứng thú sẽ được đưa về khu vực “nghỉ hưu” dành riêng cho chuột không hoạt động.

Chuột được huấn luyện theo hai kỹ năng chính thông qua phương pháp củng cố tích cực: đầu tiên là nhận diện và phân biệt chính xác mùi của các vật thể mục tiêu, kể cả khi bị che lấp bởi các mùi mạnh khác; tiếp theo là thể hiện hành vi báo hiệu rõ ràng khi phát hiện, chẳng hạn như cào hoặc dừng lại tại vị trí nghi vấn.

Điểm đặc biệt là các chú chuột được huấn luyện cách báo hiệu khi phát hiện đúng mục tiêu. Chúng sẽ kéo quả bóng nhỏ gắn trước ngực, hành động này sẽ kích hoạt âm thanh cảnh báo cho huấn luyện viên. Nếu xác định đúng mùi, chuột sẽ được thưởng ngay lập tức – một hỗn hợp hấp dẫn gồm bơ, chuối và viên thức ăn mềm, được cho qua ống tiêm nhỏ.

Dù công nghệ sử dụng chuột đánh hơi không hoàn toàn thay thế được các phương pháp kiểm soát truyền thống, nhưng nó mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng. Sự kết hợp giữa công tác huấn luyện hành vi và mục tiêu bảo tồn mang lại một giải pháp vừa sáng tạo, vừa hiệu quả trong thời đại mà tội phạm về động vật hoang dã ngày càng tinh vi!

Nguồn thông tin: Tạp chí Mongabay

Leave a Reply

You are donating to : Choice VN

How much would you like to donate?
$10 $20 $30
Would you like to make regular donations? I would like to make donation(s)
How many times would you like this to recur? (including this payment) *
Name *
Last Name *
Email *
Phone
Address
Additional Note
paypalstripe
Loading...