Chim biển non tổn thương não do ăn phải nhựa
Ô nhiễm nhựa không chỉ đe dọa hệ sinh thái biển mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe động vật hoang dã. Một nghiên cứu mới đây từ Đại học Tasmania đã phát hiện rằng chim biển non ăn phải nhựa có thể bị tổn thương não, tương tự như bệnh Alzheimer ở người.
Nghiên cứu được thực hiện trên loài hải âu cánh đen – một loài chim biển di cư giữa đảo Lord Howe của Úc và Nhật Bản. Các nhà khoa học phát hiện rằng nhựa không chỉ gây tổn thương dạ dày mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ của chim non, dẫn đến tình trạng thoái hóa thần kinh. Khi phân tích mẫu máu của chim biển, họ phát hiện sự xuất hiện của các protein liên quan đến các bệnh thoái hóa thần kinh ở người, cho thấy mức độ ảnh hưởng đáng báo động của nhựa đối với hệ thần kinh động vật hoang dã.
Mặc dù bên ngoài những con chim non này trông có vẻ khỏe mạnh, nhưng lượng nhựa lớn trong cơ thể chúng lại gây ra tổn thương nghiêm trọng từ bên trong. Đã có trường hợp một cá thể chim non bị phát hiện với hơn 400 mảnh nhựa trong dạ dày, đôi khi chiếm đến 5-10% trọng lượng cơ thể. Một số chim non có thể nôn ra một phần nhựa trước khi di cư, nhưng nhiều cá thể khác không thể loại bỏ hoàn toàn, khiến chúng gặp khó khăn lớn trong quá trình sống sót và phát triển.

Đã có trường hợp một cá thể chim non bị phát hiện với hơn 400 mảnh nhựa trong dạ dày, đôi khi chiếm đến 5-10% trọng lượng cơ thể. (Ảnh: Denise Hardesty/AP)
Nghiên cứu này là minh chứng rõ ràng cho tác động tàn phá của rác thải nhựa đối với động vật hoang dã. Không chỉ gây ra các vấn đề tiêu hóa, nhựa còn ảnh hưởng đến não bộ, thần kinh và khả năng sống sót của các loài chim biển. Đồng thời, nó cũng đặt ra một thách thức lớn đối với công tác bảo tồn động vật trên thế giới. Nếu không có hành động kịp thời, trong tương lai không chỉ mỗi chim biển mà sẽ có rất nhiều loài động vật khác chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Hãy cùng nhau thay đổi ngay từ hôm nay để bảo vệ hệ sinh thái biển và tương lai của hành tinh bạn nhé!
Nguồn thông tin: báo The Guardian