10
Th1

Nam Phi – Khủng hoảng nuôi nhốt hổ và những hệ lụy toàn cầu

Được biết đến là một quốc gia nổi tiếng với sự đa dạng sinh học và các loài động vật hoang dã quý hiếm, nhưng Nam Phi đang đối mặt với một vấn đề đáng báo động: sự bùng nổ của các trang trại nuôi hổ trong điều kiện nuôi nhốt. Hoạt động này không chỉ đe dọa trực tiếp đến phúc lợi động vật mà còn kéo theo những hệ lụy sâu xa hơn về môi trường và pháp luật.

Nam Phi hiện là nước xuất khẩu hổ lớn nhất thế giới và số lượng hổ nuôi nhốt ngày càng tăng do áp lực đối với việc nuôi sư tử trong điều kiện nuôi nhốt. Theo Bộ Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường nước này cho biết có 70 cơ sở nuôi hổ trong nước, chủ yếu là ở vùng Tây Bắc nước này. Các loài hổ bị nuôi nhốt bao gồm: hổ Bengal, hổ trắng và hổ Siberia.

Hình minh họa. (Nguồn: freepik.com)

Theo Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws, hiện nay, có ít nhất 626 cá thể hổ được xác nhận đang bị nuôi nhốt, chưa kể số liệu từ các khu vực như KwaZulu-Natal và Mpumalanga. Dự đoán thực tế con số còn nhiều hơn thế, đặc biệt tại các trang trại chăn nuôi hổ, trong đó có một số trang trại do người Việt làm chủ.

Quỹ EMS phát hiện ông qua Luật Tiếp cận Thông tin (Paia) rằng 40 con hổ sống gần đây đã được xuất khẩu từ Nam Phi sang Ấn Độ – đây có thể là lô hàng xuất khẩu hổ sống lớn nhất từ trước tới nay. Theo đại diện của quỹ EMS, điều này minh chứng cho quy mô khổng lồ của ngành chăn nuôi hổ tại Nam Phi và thực trạng này vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng nổ này là do áp lực giảm dần đối với ngành công nghiệp nuôi sư tử trong điều kiện nuôi nhốt. Với những lo ngại gia tăng về phúc lợi động vật và các chiến dịch chống lại ngành công nghiệp này, nhiều trang trại nuôi nhốt đã chuyển hướng sang hổ – một loài động vật vốn không phải loài bản địa của Nam Phi.

Báo cáo từ Four Paws chỉ ra rằng, hoạt động buôn bán hổ liên quan đến một mạng lưới phức tạp gồm lỗ hổng pháp lý, quy định rời rạc và các tổ chức tội phạm. Các trang trại nuôi hổ phục vụ thị trường toàn cầu, đặc biệt tại Trung Quốc và Việt Nam – nơi hổ được sử dụng cho nhiều mục đích như y học cổ truyền, rượu thuốc, đồ trang sức, đồ trang trí và thậm chí làm thú cưng. Không có bộ phận nào của hổ bị lãng phí: xương được nấu thành cao, da được xử lý và phơi khô, còn răng và móng vuốt được đánh bóng để bán.

Cụ thể, Nam Phi không có hệ thống đăng ký tập trung để theo dõi số lượng sinh sản, tử vong hay buôn bán hổ. Mặt khác, quy định giữa các tỉnh vô cùng khác biệt, trong khi một số yêu cầu giấy phép cho việc vận chuyển hoặc mua bán, thì một số nơi lại không có quy định nào. Điều này tạo ra lỗ hổng pháp lý mà các nhóm tội phạm có thể dễ dàng lợi dụng để buôn lậu hổ và các sản phẩm từ hổ.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng phát hiện ra một mạng lưới rộng lớn bao gồm: nhà lai tạo thương mại, trung gian và người buôn bán, hoạt động cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Những cơ sở công khai mở cửa cho khách tham quan, như cung cấp dịch vụ vuốt ve hổ con, là dấu hiệu rõ ràng cho các chu kỳ sinh sản liên tục. Tại đây, người ta thường thấy những cá thể hổ bị cắt móng, lai tạo chéo, hoặc biểu hiện hành vi không tự nhiên, cho thấy điều kiện sống khắc nghiệt và phi nhân đạo mà chúng phải chịu đựng.

Khủng hoảng nuôi nhốt hổ tại Nam Phi không chỉ là vấn đề của quốc gia này mà còn có những hệ lụy sâu rộng đến toàn cầu. Sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm từ hổ đã kích thích các hoạt động săn bắt trái phép ở các quốc gia khác. Đồng thời, tình trạng này cũng làm suy giảm niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với các nỗ lực bảo tồn tại Nam Phi.

Do đó, để giải quyết vấn đề này, tổ chức Four Paws kêu gọi:

  • Cấm nuôi hổ vì mục đích thương mại: chấm dứt mọi hoạt động chăn nuôi và buôn bán thương mại đối với các loài thuộc họ mèo lớn (hổ, sử tử, báo). Đồng thời, loại bỏ hoàn toàn các cơ sở nuôi nhốt vào năm 2030.
  • Tăng cường các quy định pháp luật: thiết lập một cơ sở dữ liệu tập trung để giám sát số lượng cá thể bị nuôi nhốt, kết hợp với theo dõi vi mạch, đăng ký DNA và kiểm tra ngẫu nhiên, không báo trước.
  • Thiết lập hệ thống quản lý chặt chẽ: đồng bộ hóa quy định của các tỉnh để loại bỏ sự thiếu nhất quán.
  • Hợp tác quốc tế: Nam Phi nên điều chỉnh các chính sách để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
  • Nâng cao nhận thức cộng đồng: nâng cao nhận thức của đối tượng tiêu thụ về tác động tàn khốc của việc buôn bán động vật hoang dã ngoại lai nhằm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm từ họ mèo lớn.

Nguồn thông tin: Daily Maverick

Leave a Reply

You are donating to : Choice VN

How much would you like to donate?
$10 $20 $30
Would you like to make regular donations? I would like to make donation(s)
How many times would you like this to recur? (including this payment) *
Name *
Last Name *
Email *
Phone
Address
Additional Note
paypalstripe
Loading...