Đảo Phục Sinh đối mặt với “cơn lốc” rác thải nhựa
Theo báo cáo từ chính quyền địa phương, lượng rác thải nhựa tại đảo Phục Sinh (Chile) hiện đang cao gấp 50 lần so với các vùng bờ biển khác của quốc gia này. Nguyên nhân chính là do vị trí của đảo nằm trong vòng xoáy Nam Thái Bình Dương, đã cuốn theo rác thải từ các quốc gia lân cận và thải chúng lên bờ biển của hòn đảo nhỏ bé này.
Hàng tấn nhựa mỗi ngày trôi dạt vào bờ, gây tổn hại đến hệ sinh thái biển và môi trường tự nhiên của đảo. Cụ thể, phần lớn lượng rác nhựa này bắt nguồn từ Australia, Nam Mỹ và những tàu đánh cá khác hoạt động trên Thái Bình Dương.
Theo nhà sinh vật biển Moiko Pakomio, số rác thải nhựa trên đang dần phân hủy thành những hạt vi nhựa siêu nhỏ. Chúng không chỉ gây hại cho các bãi biển mà còn xâm nhập sâu vào hệ sinh thái, đe dọa toàn bộ chuỗi thức ăn.
Ông Pedro Edmunds, thị trưởng thành phố Rapa Nui, cho biết: vi nhựa đang gây ô nhiễm đại dương, ảnh hưởng đến các sinh vật biển, phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trên Đảo Phục Sinh.
Trước tình hình ô nhiễm nhựa ngày càng nghiêm trọng, ông Edmunds cùng người dân trên đảo đã phát động chiến dịch kêu gọi giảm thiểu việc sử dụng nhựa trên toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ông nhận thấy, phần lớn rác thải nhựa trôi dạt vào đảo lại có nguồn gốc từ chính đất liền Chile, chiếm tới 58% tổng lượng rác thải.
Hơn bao giờ hết, mỗi người chúng ta đều có thể góp phần giảm thiểu rác thải ra đại dương bằng cách:
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần
- Ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường
- Tập thói quen và thực hiện phân loại rác đúng cách
Tuy sự có mặt của nhựa có thể làm cuộc sống của chúng ta tiện lợi hơn nhưng hậu quả của nó lại kéo dài đến hàng trăm, hàng ngàn năm.
Hãy bắt đầu hành trình sống xanh của bạn từ những thay đổi nhỏ nhất ngay từ hôm nay bạn nhé!
Nguồn thông tin: Reuters.com