Cốc giấy tráng nhựa có thực sự thân thiện không?
Bạn có biết rằng cốc giấy mà chúng ta thường nghĩ là “xanh” lại gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường tương tự như cốc nhựa dùng một lần không? Các nghiên cứu đã hé lộ sự thật bất ngờ về loại cốc này! Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về lý do tại sao cốc giấy dùng một lần không phải là giải pháp thân thiện nhất và những phương án thay thế bền vững hơn.
Để sản phẩm có thể chứa chất lỏng lâu hơn mà không bị thấm hay gây biến dạng cho cốc, hầu hết cốc giấy sẽ được tráng thêm một lớp nhựa polymer hoặc polyethylene ở trong. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Environmental Pollution, cốc giấy tráng nhựa cũng gây hại cho môi trường và sức khỏe của con người như cốc nhựa dùng một lần.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Lê Quang Diễn (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết rằng cốc giấy tráng nhựa không thể phân hủy hoàn toàn. Ngay cả khi sử dụng vật liệu tự nhiên như axit polylactic (PLA) từ ngô, sắn hoặc mía, nhà sản xuất vẫn phải thêm các hóa chất như chất huỳnh quang để làm trắng. Chất này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe khi xâm nhập vào cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ đột biến tế bào và ung thư.
Một nghiên cứu mới đây của Viện Công nghệ Ấn Độ đã cho thấy việc sử dụng cốc giấy lót nhựa để đựng đồ uống nóng có thể gây hại cho sức khỏe. Khi đổ nước nóng vào cốc giấy, lớp nhựa bên trong sẽ giải phóng một lượng lớn hạt vi nhựa và các kim loại nặng như kẽm, chì, crom vào đồ uống. Điều này xảy ra do nhiệt độ cao làm biến đổi cấu trúc của lớp nhựa, khiến các hạt vi nhựa và các chất độc hại bị hòa tan vào nước.
Trên thế giới, phần lớn cốc giấy không thể tái chế vì lớp nhựa bên trong làm ô nhiễm vật liệu giấy. Kết quả là, khoảng 99,75% cốc giấy không thể tái chế và gây ô nhiễm môi trường.
Việc chuyển từ cốc nhựa sang cốc giấy không giải quyết được vấn đề cốt lõi về rác thải và ô nhiễm. Điều quan trọng hơn là thay đổi thói quen tiêu dùng của chúng ta. Thay vì tiếp tục sử dụng các sản phẩm dùng một lần, chúng ta có thể áp dụng những thói quen bền vững hơn như:
- Mang theo bình cá nhân: thói quen này không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải mà còn góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng
- Hạn chế sử dụng sản phẩm dùng một lần: chúng ta nên hạn chế các sản phẩm như túi nhựa, dao dĩa nhựa hay các loại bao bì đóng gói dùng một lần khác
- Ủng hộ các doanh nghiệp thân thiện với môi trường: ủng hộ các cửa hàng, quán cà phê hoặc doanh nghiệp dùng sản phẩm tái sử dụng hoặc thân thiện với môi trường là cũng là một cách giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Nguồn thông tin: báo Tuổi Trẻ