Siêu bão Yagi: những tác động của biến đổi khí hậu
Siêu bão Yagi – cơn bão mạnh nhất trong vòng 3 thập kỷ qua tại Biển Đông đã càn quét và gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Sức công phá khủng khiếp của cơn bão này có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người như thế nào.
Theo thống kê sơ bộ ngày 17/9/2024, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 03 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gẫy đổ… (Theo Báo điện tử chính phủ)
Các nhà khoa học đã nhiều lần cảnh báo: biến đổi khí hậu chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra những biến động thời tiết cực đoan này. Ví dụ như nhiệt độ tăng cao gây hiện tượng khí nhà kính đã làm tăng sức mạnh của các cơn bão, khiến chúng trở nên mạnh hơn và kéo dài hơn; các đại dương ấm lên, tạo ra điều kiện lý tưởng cho các cơn bão hình thành và phát triển nhanh chóng. Cùng với đó, việc băng tan ở các cực và thay đổi dòng hải lưu cũng là nguyên nhân khiến mô hình thời tiết trở nên khó lường và bất thường.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng con người là một trong những tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Sự gia tăng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc thải ra lượng lớn khí CO2 từ công nghiệp, giao thông và nông nghiệp, đang khiến Trái Đất ngày càng “nóng lên”. Các hoạt động như chặt phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên không bền vững và ô nhiễm nhựa cũng góp phần vào sự thay đổi hệ sinh thái tự nhiên, làm suy yếu khả năng tự cân bằng của hành tinh. Và hậu quả là chúng ta đang phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão Yagi.
Sự xuất hiện của siêu bão Yagi là hồi chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở chúng ta rằng nếu không hành động ngay bây giờ, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn. Việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ngăn chặn biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng. Dưới đây là một số hành động thiết thực mà chúng ta có thể thực hiện:
- Giảm lượng khí thải: ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân và chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió
- Trồng cây xanh: Tích cực phủ xanh đô thị và các khu vực nông thôn để cân bằng lại khí hậu và giảm lượng CO2 trong không khí
- Tiết kiệm năng lượng: Sử dụng điện, nước và các tài nguyên khác một cách hiệu quả hơn để giảm tác động lên môi trường
- Nâng cao ý thức trong cộng đồng: Tổ chức các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và những hành động nhỏ nhưng quan trọng mà mọi người có thể thực hiện hàng ngày