Người dân tự nguyện giao nộp Voọc để thả về rừng
Ngày 19/8 vừa qua, một người dân ở tỉnh Bình Phước đã tự nguyện giao nộp một cá thể voọc chà vá chân đen. Đây không chỉ đơn thuần là một hành động ý nghĩa mà còn là tín hiệu đáng mừng trong việc thay đổi nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm của cộng đồng.
Được biết chú voọc này được gia đình anh Trần Minh Tuấn (ngụ khu phố Phú Hòa 1, phường Phú Đức, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) nuôi dưỡng trong một thời gian dài. Được sự vận động và qua tìm hiểu, anh Tuấn nhận thấy đây là loài động vật hoang dã, quý hiếm, nguy cấp cần ưu tiên bảo vệ nên anh đã tự nguyện giao nộp cho Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cứu hộ Vườn quốc gia Bù Gia Mập để chăm sóc trước khi thả lại về rừng. (Nguồn thông tin: báo Sài Gòn Giải Phóng)
Qua tìm hiểu, cá thể được bàn giao là voọc chà vá chân đen (tên khoa học Pygathrix nigripes) là loài đặc hữu hẹp của bán đảo Đông Dương, chỉ phân bố tại khu vực phía Nam của Việt Nam và phía Đông của Campuchia. Được xếp vào nhóm động vật cực kỳ nguy cấp và có nguy cơ tuyệt chủng trong cả Sách Đỏ thế giới và Sách Đỏ Việt Nam.
Loài voọc này nổi bật với chiếc đuôi màu trắng nổi bật và có màu đen sẫm từ móng đến mu bàn chân. Tuy nhiên, vì môi trường sống bị thu hẹp và nạn săn bắt trái phép, số lượng voọc chà vá chân đen đã giảm mạnh trong những năm qua. Cụ thể, ước tính số lượng quần thể Voọc Chà vá chân đen ở Việt Nam chỉ còn chưa đến 5000 cá thể. Chính vì thế, mỗi cá thể voọc được cứu hộ và bảo tồn là một thành công lớn trong công cuộc bảo vệ động vật hoang dã. (Nguồn thông tin: VQG Cát Tiên)
Mỗi người chúng ta đều có thể đóng góp vào công tác bảo tồn động vật hoang dã bằng những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa:
- Nâng cao nhận thức bằng cách tìm hiểu về các loài động vật hoang dã quý hiếm. Chia sẻ thông tin này với gia đình và bạn bè để lan tỏa ý thức bảo vệ động vật hoang dã.
- Báo cáo các hành vi săn bắt trái phép: Nếu bạn phát hiện các hành vi săn bắt hoặc buôn bán trái phép động vật hoang dã, hãy lập tức báo cho cơ quan chức năng nhé.
- Bảo vệ môi trường sống: Mỗi hành động từ việc tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng nhựa, đến việc trồng cây xanh,… đều góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta và các loài động vật hoang dã.