COVID-19 làm giảm nạn buôn lậu ngà voi & vảy tê tê
Trong suốt hơn một thập kỷ qua, hoạt động buôn bán bất hợp pháp ngà voi và vảy tê tê vẫn luôn là một trong những vấn nạn nhức nhối, đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của các loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, một tia hy vọng mới đã được nhen nhóm từ một biến cố toàn cầu: đại dịch COVID-19. Theo báo cáo mới nhất từ Ủy ban Công lý Động vật Hoang dã (Wildlife Justice Commission – WJC), COVID-19 không chỉ làm tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn tạo ra một bước ngoặt chưa từng có đối với hoạt động buôn bán ngà voi và vảy tê tê trên thế giới.

Giá vảy tê tê đã giảm đến 70% trong giai đoạn 2017-2021 và vẫn duy trì ở mức thấp là một trong những tín hiệu tích cực đáng ghi nhận về sự sụt giảm mạnh về giá trị thị trường do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. (Ảnh: Shutterstock)
Theo đó, báo cáo của WJC cho biết, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2024, các cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 370 tấn vảy tê tê và 193 tấn ngà voi. Tuy nhiên, điểm nhấn đáng chú ý là sự sụt giảm mạnh mẽ từ sau năm 2019 – thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát. Riêng trong năm 2020, các vụ thu giữ ngà voi đã giảm đến 94% và vảy tê tê giảm 75% so với năm trước đó. Sự gián đoạn này là do các biện pháp phong tỏa, hạn chế di chuyển, cùng với việc tăng cường điều tra và thực thi pháp luật đã góp phần làm lung lay mạng lưới buôn lậu vốn đã tồn tại từ lâu. Sau đại dịch, xu hướng giảm vẫn tiếp diễn do các quốc gia tiếp tục siết chặt thực thi và thu thập thông tin.
Không chỉ là con số, báo cáo còn chỉ ra một thực tế đáng suy ngẫm: các ông trùm tội phạm – vốn từng tự do đi lại giữa châu Á và châu Phi để duy trì chuỗi cung ứng đã buộc phải ngưng hoạt động, trong khi những kẻ buôn lậu cấp thấp hơn cũng đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ và truy tố cao hơn bao giờ hết. Bà Olivia Swaak-Goldman, Giám đốc điều hành của WJC gọi đại dịch COVID-19 là “bước ngoặt”. “Chúng tôi nhận thấy sự sợ hãi và hoài nghi đang lan rộng trong nội bộ các mạng lưới buôn lậu – đặc biệt từ phía nhà cung ứng. Điều đó đã tạo ra một thế giằng co kéo dài giữa người bán ở châu Phi và người mua ở châu Á”, bà Swaak-Goldman nói.
Mặc dù báo cáo ghi nhận số lượng và tần suất thu giữ giảm, nhưng điều đó không đồng nghĩa buôn lậu cũng giảm. Các vụ thu giữ có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Những kho dự trữ khổng lồ của vảy tê tê vẫn tiếp tục bị phát hiện ở nhiều nơi tại châu Phi. Theo bà Erin Chong – chuyên gia chiến dịch về tê tê thuộc Tổ chức Điều tra Môi trường (EIA): “Các tay buôn hiện không chuyển hàng hoặc bán ra thị trường, nhưng họ vẫn âm thầm gom hàng tích trữ và nằm im chờ thời”. Việc này cho thấy nhu cầu thị trường vẫn chưa hề biến mất, mà đang ẩn mình, đòi hỏi các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước phải tiếp tục tăng cường truy quét, đặc biệt tại các điểm nóng như Cameroon, Congo, Nigeria, Uganda, Angola và Mozambique – những nơi có hệ thống buôn lậu ngà voi, vảy tê tê và sừng tê giác đã tồn tại từ rất lâu.
Trên thực tế, một trong những tín hiệu tích cực đáng ghi nhận chính là sự sụt giảm mạnh về giá trị thị trường của ngà voi và vảy tê tê. Giá vảy tê tê đã giảm đến 70% trong giai đoạn 2017-2021 và vẫn duy trì ở mức thấp. Giá ngà voi cũng liên tục đi xuống sau khi Trung Quốc (quốc gia tiêu thụ lớn nhất) đóng cửa thị trường nội địa. Theo đánh giá của WJC, đây là dấu hiệu cho thấy mô hình kinh doanh tội phạm dựa trên động vật hoang dã đang bị suy yếu.
Để tận dụng “khoảng lặng” quý giá này, WJC đã đưa ra một số các khuyến nghị, như:
- Ca ngợi Nigeria và Trung Quốc về cách tiếp cận có mục tiêu, đặc biệt trong truy bắt các ông trùm.
- Khuyến nghị các nước châu Phi điều tra sâu, thu thập chứng cứ để truy tố thành công, theo dấu các vụ thu giữ để bắt giữ và khởi tố.
- Hợp tác quốc tế: chia sẻ thông tin tình báo, điều tra chung, liên kết công – tư giữa các cơ quan, tổ chức, ngân hàng và ngành vận tải.
Ngoài ra, cần ngăn chặn từ phía người mua “Phải thay đổi hành vi tiêu dùng – không chỉ bằng tuyên truyền mà bằng luật pháp.”
Mặc dù Trung Quốc đã loại bỏ vảy tê tê khỏi dược điển của họ, tuy nhiên các chuyên gia EIA cảnh báo điều này sẽ không hiệu quả nếu thị trường nội địa vẫn chưa được đóng hẳn.
“Nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, với thực thi nghiêm ngặt và hợp tác quốc tế, chúng ta có thể củng cố những thành quả này và mang đến hy vọng thực sự cho các loài động vật hoang dã” – bà Olivia Swaak-Goldman kết luận.
Nguồn thông tin: Tạp chí Mongabay