Không khí ô nhiễm – kẻ thù âm thầm của làn da
Khi nhắc đến các tác động của ô nhiễm không khí đến cơ thể con người, phần lớn chúng ta đều nghĩ ngay đến các bệnh lý về phổi hay tim mạch. Tuy nhiên, làn da – lớp ngoài bảo vệ cơ thể thường bị “bỏ quên” bởi các tác động của chất lượng không khí suy giảm. Một nghiên cứu vừa được công bố trên Annals of Dermatology đã làm rõ các tác động của không khí gây ra với làn da của chúng ta, bao gồm: lão hóa sớm, viêm da cơ địa, mụn trứng cá, vảy nến và thậm chí là ung thư da.

Làn da – lớp ngoài bảo vệ cơ thể thường bị “bỏ quên” bởi các tác động của chất lượng không khí suy giảm – Ảnh minh họa. (Ảnh: Unsplash)
Cụ thể, các tác nhân ô nhiễm như: bụi mịn (PM2.5), khí nitrogen dioxide (NO₂), carbon monoxide (CO), và hợp chất hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs) có khả năng xâm nhập qua lớp biểu bì, gây phá vỡ hàng rào bảo vệ tự nhiên của da. Khi hàng rào này suy yếu, làn da trở nên vô cùng nhạy cảm, dễ tổn thương, mất nước, viêm nhiễm và kích thích hình thành gốc tự do (ROS) – nguyên nhân thúc đẩy quá trình lão hóa, dẫn đến sự suy giảm collagen, giảm độ đàn hồi và xuất hiện các nếp nhăn, đốm nâu trên bề mặt da.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người sống ở khu vực nồng độ bụi mịn cao có nguy cơ xuất hiện các đốm sắc tố trên mặt cao hơn 20% so với những người sống ở nơi không khí sạch. Đặc biệt, các vùng da tiếp xúc nhiều như mặt và tay (những vùng da mỏng và nhạy cảm) thường bị ảnh hưởng rõ rệt, nhất là ở những người thường xuyên sinh hoạt trong môi trường kín như nấu nướng bằng bếp than hay củi.
Không chỉ lão hóa, ô nhiễm không khí còn liên quan chặt chẽ đến sự bùng phát bệnh lý da liễu như viêm da cơ địa. Đây là bệnh lý phổ biến, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người có cơ địa dị ứng, với biểu hiện da khô, nứt nẻ, ngứa và viêm đỏ. Cơ chế chính liên quan đến việc tổn thương hàng rào da và mất cân bằng hệ miễn dịch. Khi tiếp xúc với chất ô nhiễm, da sẽ tăng cường tiết các cytokine gây viêm như IL-1α, IL-1β, TNF-α và IL-8, khiến tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn. Tác động này càng tăng khi đi kèm với điều kiện thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp hoặc nhiệt độ cao.
Các bệnh lý da khác như mụn trứng cá, vảy nến, rụng tóc và thậm chí ung thư da cũng được ghi nhận có liên quan đến tiếp xúc lâu dài với môi trường ô nhiễm. Chẳng hạn, chất PAHs trong khí thải có khả năng kích hoạt các thụ thể aryl hydrocarbon (AhR) trên da, dẫn đến thay đổi gen, viêm da mạn tính, tăng sắc tố và rối loạn tăng sinh tế bào. Đây là con đường bệnh lý tiềm ẩn cho nhiều dạng ung thư biểu mô da. Ngoài ra, sự mất cân bằng hệ vi sinh vật trên da – vốn đang đóng vai trò như một “lá chắn sinh học” cũng bị phá vỡ dưới tác động của môi trường không khí ô nhiễm, khiến da dễ bị kích ứng ngay cả với những tác nhân thông thường và khó phục hồi hơn sau tổn thương.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia dđã đưa ra một số biện pháp phòng ngừa cá nhân:
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có thành phần chống oxy hóa (vitamin C, E, niacinamide), kem chống nắng phổ rộng và sản phẩm làm sạch dịu nhẹ có khả năng loại bỏ bụi mịn và chất ô nhiễm tích tụ trên bề mặt da.
- Thường xuyên theo dõi chỉ số chất lượng không khí (AQI), hạn chế ra ngoài vào những ngày chỉ số ở mức kém hoặc nguy hại.
- Sử dụng khẩu trang có màn lọc bụi và trang bị máy lọc không khí trong nhà.
Nguồn thông tin: AJMC