21
Th5

Nuôi ĐVHD trái phép, chủ cơ sở bị phạt tù

Ngày 23/4 vừa qua, tòa án nhân dân huyện Hóc Môn, TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo T.V.T mức án 10 năm 6 tháng tù về hành vi nuôi nhốt các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại khoản 3, Điều 244 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Theo đó, tháng 11/2019, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra một cơ sở chăn nuôi tại xã Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn, TP.HCM) do T.V.T là chủ. Tại đây, cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ tổng cộng 57 cá thể động vật hoang dã thuộc nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm, trong đó có những loài thuộc danh sách bảo vệ cấp cao nhất theo pháp luật Việt Nam (Nghị định 06/2019/NĐ-CP) và Phụ lục I công ước quốc tế CITES.

Các loài được phát hiện tại cơ sở nuôi của đối tượng T.V.T bao gồm: báo gấm, beo lửa, mèo cá, vượn đen má vàng, công má vàng, cầy mực, rái cá vuốt bé, cầy vằn bắc, bồ nông chân xám, cắt lớn và vượn pile.

Những cá thể beo lửa, cầy mực, rái cá được nuôi nhốt tại cơ sở nuôi ĐVHD của đối tượng. (Nguồn ảnh: ENV)

Điều đáng chú ý là bị cáo đã khai nhận phần lớn số động vật này được bàn giao từ lực lượng kiểm lâm địa phương sau khi người dân giao nộp, còn lại là do tự thu mua trên thị trường. Thậm chí, T.V.T còn cung cấp nhiều bảng kê và giấy tờ xác nhận của kiểm lâm nhằm chứng minh tính hợp pháp của nguồn gốc các loài động vật trên. Tuy nhiên, sau khi xác minh, cơ quan điều tra xác định các tài liệu được cung cấp đều là giả. Từ đó, cảnh sát điều tra cũng khởi tố đối tượng với tội danh “giả mạo trong công tác” để làm rõ trách nhiệm của những cá nhân cán bộ kiểm lâm có liên quan đến việc hợp thức hóa sai phạm.

Không dừng lại ở hành vi nuôi nhốt, theo các thông tin điều tra và phản ánh cho thấy, T.V.T là một đầu mối quan trọng trong mạng lưới buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia. Đối tượng này thường xuyên nhập lậu động vật hoang dã từ các nước láng giềng, sau đó đưa vào các trang trại nuôi để “hợp pháp hóa” trước khi đưa đi tiêu thụ thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài cơ sở đứng tên chính thức, bị cáo còn quản lý nhiều trại nuôi khác dưới tên của một số cá nhân khác.

Điều đáng lo ngại là các trại nuôi này đều được cấp phép nuôi thương mại với số lượng lớn động vật hoang dã – bao gồm cả những loài được đánh giá là “không có khả năng gây nuôi thương mại” như rùa đầu to. Điều này cho thấy đang có những lỗ hổng đáng kể trong công tác quản lý hiện nay.

Theo đại diện ENV – bà Bùi Thị Hà, vụ việc này không phải là cá biệt, mà là hệ quả từ sự thiếu rõ ràng trong chính sách và cơ chế kiểm soát hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã. ENV nhấn mạnh rằng việc xây dựng một danh mục rõ ràng các loài được phép nuôi vì mục đích thương mại là hết sức cấp thiết. Danh mục này nếu được áp dụng rộng rãi và cập nhật thường xuyên sẽ giúp kiểm soát tốt hơn tình trạng hợp pháp hóa động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nuôi đúng pháp luật và giảm gánh nặng cho cơ quan chức năng.

Qua đó có thể thấy rõ rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa cải cách chính sách, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm. Việc bảo vệ các loài động vật hoang dã không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm hay cơ quan bảo tồn, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội trong hành trình bảo tồn đa dạng sinh học và cân bằng hệ sinh thái cho thế hệ tương lai.

Nguồn thông tin: báo Lao Động

Leave a Reply

You are donating to : Choice VN

How much would you like to donate?
$10 $20 $30
Would you like to make regular donations? I would like to make donation(s)
How many times would you like this to recur? (including this payment) *
Name *
Last Name *
Email *
Phone
Address
Additional Note
paypalstripe
Loading...