99% dân thế giới đang phải hít thở không khí ô nhiễm
Theo bạn thì không khí mà chúng ta hít thở mỗi ngày có thực sự trong lành? Theo một báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới 99% dân số toàn cầu đang phải sống trong bầu không khí ô nhiễm, không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt của tổ chức này. Đây là một con số đáng báo động, nhấn mạnh sự cấp bách của việc cải thiện chất lượng không khí để bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Ô nhiễm không khí là một trong những nguy nhân gây lên nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe con người. Theo WHO, mỗi năm, khoảng 7 triệu người tử vong sớm do các bệnh liên quan đến không khí ô nhiễm. Các chất độc hại tồn tại trong không khí bao gồm bụi mịn (PM2.5, PM10), khí thải độc hại như NO2, SO2, CO, và ozone tầng thấp (O3).
Nguồn phát thải của các chất ô nhiễm này chủ yếu đến từ: việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu diesel và xăng để sản xuất điện và phục vụ giao thông vận tải; hoạt động công nghiệp thải ra lượng lớn khí độc hại vào không khí; nông nghiệp với việc đốt rơm rạ và sử dụng phân bón hóa học cũng góp phần làm gia tăng ô nhiễm; cháy rừng, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

99% dân thế giới đang phải hít thở không khí ô nhiễm. (Ảnh: Alexei Scutari/ Unsplash)
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, ô nhiễm không khí còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Khi chúng ta tiếp xúc ngắn hạn với nguồn không khí bị ô nhiễm có thể gây kích ứng đường hô hấp, hen suyễn, đau đầu, chóng mặt. Trong khi đó, nếu tiếp xúc lâu dài có thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), tim mạch, đột quỵ, thậm chí ung thư phổi.
Đáng báo động, theo WHO, hiện tại chỉ có 7 quốc gia trên thế giới hiện đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng không khí khắt khe của tổ chức này. Điều đó có nghĩa là phần lớn dân số thế giới đang phải hít thở bầu không khí chứa nhiều chất độc hại, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi và những người có bệnh nền.
- Trẻ em do hệ hô hấp chưa phát triển hoàn thiện nên dễ bị viêm phổi và các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
- Người cao tuổi là những người có sức đề kháng yếu hơn nên rất dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm không khí.
- Bên cạnh đó, người mắc bệnh nền như tim mạch, hô hấp, tiểu đường cũng rất dễ bị ảnh hưởng.
Bà Eliane Luthi – thuộc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) – cho biết: “Những đứa trẻ sống trong cảnh nghèo đói, không đủ khả năng mua bếp nấu không gây ô nhiễm, không đủ khả năng mua khẩu trang, không đủ khả năng mua máy lọc không khí. Chúng là những đứa trẻ đang phải trả giá cho cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí. Và những đứa trẻ này đang phải trả giá bằng sức khỏe, bằng học vấn và bằng chính tương lai của chúng”.
Dù vấn đề ô nhiễm không khí cần sự chung tay từ chính phủ và các tổ chức lớn, nhưng mỗi cá nhân chúng ta cũng có thể góp phần cải thiện chất lượng không khí thông qua những hành động đơn giản có thể áp dụng vào đời sống hằng ngày:
- Giảm thiểu phương tiện cá nhân, ưu tiên phương tiện công cộng hoặc xe đạp.
- Sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng và nguồn điện sạch nếu có thể.
- Trồng thêm cây xanh để lọc không khí, cải thiện môi trường sống.
- Tái chế và giảm tiêu thụ sản phẩm có lượng phát thải cao.
- Theo dõi chất lượng không khí hàng ngày để có biện pháp bảo vệ sức khỏe.
Nguồn thông tin: VTV Online